Đi xe máy vượt đèn vàng bị phạt 1 triệu, cách nào để không bị oan?
Cụ thể, tại điểm e, khoản 4, điều 6 của nghị định quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 600.000-1.000.000 đồng.
Ngoài ra, người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô khi vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000-5.000.000 đồng theo điểm a khoản 5 điều 5 nghị định 100 (hiện mức phạt là từ 1.200.000-2.000.000 đồng theo điểm a, khoản 5, điều 5 của nghị định 46).
Xe máy vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt cao nhất 1.000.000 đồng.
Theo Phó Chánh văn phòng UB An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh, quy định của luật Giao thông đường bộ, đường sắt hiện nay, tín hiệu vàng nếu đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp, còn trước vạch thì phải dừng lại sẽ rất khó. Trong một số trường hợp không thể dừng lại và rất khó xác định vì chỉ diễn ra trong tích tắc, nửa giây hoặc 1 giây.
“So với quốc tế thì luật Giao thông đường bộ, đường sắt hiện nay ở nước ta có bất cập, khi đi qua vạch rồi thấy đèn vàng đi tiếp, còn trước vạch là phải dừng lại. Vấn đề trước vạch là bao nhiêu, cách 1-2m dừng lại sẽ không an toàn. Công ước quốc tế và phần lớn các quốc gia trên thế giới đều cho đi tiếp và không phạt.
Về lâu dài phải sửa luật để phù hợp với thực tiễn còn ngắn hạn thì nghị định phải thực hiện toàn bộ các quy định trong luật”, ông Minh nói.
Nên bỏ đèn đếm ngược?
Phó Chánh văn phòng UB An toàn giao thông quốc gia cho biết, theo quy định hiện nay, vượt đèn vàng sẽ bị phạt hết nếu không dừng lại nhưng trong quá trình thực hiện phụ thuộc rất nhiều vào trang thiết bị của lực lượng chức năng.
Trường hợp nếu thấy dừng lại là nguy hiểm khi vượt đèn vàng thì không nên phạt, còn trường hợp khoảng cách bật đèn vàng đủ thời gian để lái xe dừng lại an toàn nhưng cứ cố vượt thì phải phạt (trường hợp này trên thế giới cũng phạt).
Ông Minh cũng nêu thực tế hiện nay có tình trạng vượt đèn vàng ở một số vị trí khá nguy hiểm, dễ xảy ra xung đột giao thông và nguy cơ tai nạn giao thông. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này được xác định là do tình trạng đếm ngược.
Nếu không có đếm ngược thì người ta chuẩn bị tinh thần để dừng lại, nhưng có đếm ngược, biết còn 1-2 giây vẫn cố vượt thì sẽ xảy ra ùn tắc và va chạm.
“Đèn tín hiệu đếm ngược hiện nay thế giới rất ít dùng, do vậy nên cân nhắc có nên áp dụng đại trà về đếm ngược hay không”, ông Minh nêu quan điểm.
Điều 10. Hệ thống báo hiệu đường bộ (Luật Giao thông đường bộ 2008)
…
3. Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.