30/4/2023

Từ nay đến năm 2030, TP.HCM cần 900.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông. Các tuyến cao tốc từ 4 hướng, vành đai liên vùng, metro, sân bay lớn hoàn thành… sẽ là những cú hích thúc đẩy kinh tế thành phố đầu tàu cả nước phát triển.

Là một trong những doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Xuân, Công ty CP Vận tải Quang Châu cho biết, trước kia đường sá đi lại không thuận lợi như hiện nay. Từ khoảng năm 2000, thành phố đầu tư mở rộng nhiều tuyến đường huyết mạch.

Những con đường mở rộng rất đẹp như: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng… không chỉ giúp giao thông thuận tiện mà còn góp phần chỉnh trang đô thị.

Quay trở lại 48 năm trước, khi miền Nam mới được giải phóng, tuyến đường chính “tiến vào Sài Gòn” là Quốc lộ 1 chỉ 2 làn xe. Nay từ phía Bắc vào, ngoài Quốc lộ 1 được mở rộng, cao tốc Bắc – Nam đã thông từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo, cuối năm 2023 sẽ nối thông đến Nha Trang. Hướng phía Tây, cuối năm 2023 cao tốc cũng nối thông về Cần Thơ.

Trong khi đó, sông Sài Gòn đã có thêm 4 cây cầu mới bắc qua, có cả hầm Thủ Thiêm – hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào khai thác cuối năm 2023.

Ông Danh Cư (phường 16, quận 8) cho biết, trước đây khu vực cảng Phú Định là vùng ngoại ô, chỉ có đầm lầy, dừa nước. Khi Đại lộ Võ Văn Kiệt được xây dựng, đi qua phường 16, cả khu vực này như đổi đời. Giờ riêng phường 16 có khoảng 10 khu căn hộ như: Akira, Ehome 3, Lightmoon… thu hút hàng nghìn cư dân về ở. “Đường Võ Văn Kiệt đã mở ra không gian đô thị mới, lên đời cho những vùng đất đầm lầy ở khu vực ngoại thành”, ông Danh Cư nói.

Những ngày qua, các nhà thầu đang tất bật chạy đua để hoàn thành các hạng mục của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên để kịp đưa vào vận hành cuối năm 2023.

Từ khi tuyến metro số 1 xây dựng, hạ tầng đô thị cũng đã được chỉnh trang theo. Dễ thấy nhất là đoạn trên cao từ Ba Son đến Suối Tiên, hàng loạt căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại được xây dựng dọc tuyến đường này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, tuyến metro chưa khai thác nhưng bộ mặt đô thị khu vực phía Đông đã có những thay đổi tích cực. “Khi tuyến metro số 1 về đích, cùng với các dự án Vành đai 3, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, không gian đô thị thành phố sẽ mở rộng ra, chất lượng đời sống người dân từng bước nâng lên”, ông Châu nói.

Ngoài tuyến metro số 1, TP.HCM cũng đang tất bật giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương để kịp triển khai, hoàn thành trước năm 2030.

Cùng với đó, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã khởi công xây dựng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không tới đô thị lớn nhất cả nước.

Những ngày đầu tháng 4, các nhà thầu tất bật thi công dự án mở rộng Quốc lộ 50. Dự án này được khởi công cuối năm 2022, kế hoạch hoàn thành cuối năm 2024. Nhưng ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị rút ngắn tiến độ hoàn thành càng sớm càng tốt. Bởi, dự án với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng này sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành, tạo thêm một “lối thoát” ở hướng Tây cho thành phố.

Ở hướng Đông, nút giao An Phú với tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng đã được khởi công, hoàn thành trước 30/4/2025. Lúc này, hướng phía Đông cùng với việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành lên 8 làn xe cũng sẽ thông thoáng phần nào.

Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đang được lãnh đạo thành phố phối hợp với Tây Ninh thực hiện công tác GPMB, chuẩn bị các thủ tục đầu tư. Tiếp đến là các dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Đặc biệt, tuyến Vành đai 3 từ Đồng Nai qua Bình Dương, TP.HCM đến Long An cũng đang được đẩy nhanh công tác GPMB để khởi công vào tháng 6/2023, hoàn thành năm 2026, sẽ mở rộng không gian đô thị thành phố lớn hơn gấp nhiều lần.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay: “Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. TP đang chuẩn bị ban hành kế hoạch để triển khai, khi đó thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng được rút ngắn còn 1/3 so với trước đây”.

Để tăng nguồn thu đầu tư cho hạ tầng, theo ông Trần Quang Lâm, Nghị quyết 54 cho ngân sách TP.HCM được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP.HCM quản lý và số thu từ thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội. Nếu đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa, ngân sách TP sẽ thu về một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM) là người trực tiếp điều hành quá trình triển khai dự án Đại lộ Đông Tây (Đại lộ Võ Văn Kiệt) và hầm Thủ Thiêm. Cứ mỗi lần đi qua hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á này, lòng ông lại phấn chấn, bởi đây là tâm huyết của rất nhiều cán bộ, kỹ sư đã gắn bó nhiều năm để hình thành công trình vĩ đại.

Vì vậy, hơn ai hết ông hiểu rõ khi hệ thống giao thông mở ra, đô thị được chỉnh trang hiện đại, phát triển thế nào. “Khi tuyến Vành đai 3 hoàn thành, không gian đô thị sẽ mở rộng ra, hiện đại hơn, khang trang hơn. Có thể giờ nhiều người chưa hình dung được, nhưng 10 năm sau sẽ khác”, ông Phúc chia sẻ.

Nguồn: