Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều nước khẩn trương đối phó
Theo số liệu thống kê ca nhiễm COVID-19 hằng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 17-8 vừa qua, số ca nhiễm mới toàn cầu trong tuần có dấu hiệu đáng mừng khi giảm 24% so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, nhiều nước hiện nay lại đi ngược xu hướng đó khi số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng, chẳng hạn như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Số ca nhiễm kỷ lục sau nhiều tháng
Tại Nhật, theo tờ The Japan Times, trong cuộc họp của Ủy ban Quốc hội ngày 19-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Katsunobu Kato cho biết nước này hiện đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ bảy và ghi nhận hơn 260.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Trong khi đó, hãng thông tấn Kyodo News thì đưa tin rằng chỉ trong ít ngày, từ ngày 8 đến 14-8, nước này đã có tới 1.395.301 trường hợp nhiễm mới (ghi nhận tại 19/47 tỉnh, thành của đất nước), khiến Nhật có số lượng ca nhiễm cao nhất thế giới trong bốn tuần liên tiếp.
Đài truyền hình NHK của Nhật cho biết tỉ lệ bao phủ giường bệnh trong nước đang tăng lên. Theo số liệu chính phủ, tính đến ngày 15-8, tỉ lệ bao phủ giường bệnh do người nhiễm COVID-19 là 91% ở tỉnh Kanagawa, 80% ở các tỉnh Okinawa, Aichi, Shiga và 70% ở các tỉnh Fukuoka, Nagasaki, Shizuoka. Chính quyền TP Tokyo thì cho biết tỉ lệ bao phủ giường bệnh ở TP có vẻ ít gánh nặng hơn, ở mức 60%, song lại có nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh hoặc trở thành F1, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực y tế.
Theo JHU CSSE COVID-19 Data, kể từ đầu tháng 8 đến nay, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc đều trên 100.000 ca, trong đó cao nhất vào ngày 16-8 với 180.652 ca. Tờ The Korea Herald thì đưa tin rằng việc số ca nhiễm tại nước này tăng cao trong thời gian gần đây là do biến thể phụ BA.5 rất dễ lây lan của chủng Omicron.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận 2.181 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 20-8, trong đó có 1.628 ca không có triệu chứng. Trước đó, vào hôm 17-8, số ca nhiễm COVID-19 trong ngày được ghi nhận ở Trung Quốc là 3.424 ca, bao gồm 2.810 ca không có triệu chứng và đây cũng là mức cao nhất trong ba tháng. Các chuyên gia cho biết các ca nhiễm trong làn sóng dịch mới đều liên quan đến chủng Omicron. Phần lớn các ca nhiễm này tập trung ở tỉnh Hải Nam và hiện chính quyền tỉnh này cũng đã thành lập các bệnh viện dã chiến.
Các cơ quan báo, đài nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng việc người dân đi lại nhiều vùng khác cũng là nguyên nhân khiến tình trạng dịch bệnh ở nước này thêm trầm trọng, viện dẫn vụ bốn ca nhiễm không có triệu chứng ở TP Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải) là bốn khách du lịch đến Tây Tạng. Các ca nhiễm cũng được ghi nhận tại các tỉnh Phúc Kiến, Thượng Hải, giáng đòn mạnh vào ngành du lịch Tây Tạng, Tân Cương và Hải Nam.
Số lượng ca nhiễm COVID-19 mới cũng tăng mạnh ở nhiều khu vực khác trên thế giới, không riêng vùng Đông Bắc Á. Theo dữ liệu của WHO, từ ngày 10 đến 17-8, các nước ghi nhận thêm ca mắc mới trên thế giới là Niger, Mozambique, Chile, Ukraine, Nga, Myanmar…
Khôi phục các hạn chế
Trước số ca nhiễm ở Nhật tăng vọt, gây áp lực nghiêm trọng lên hệ thống y tế, Bộ trưởng Kato cho biết chính quyền trung ương đang xem xét lại việc thực hiện kiểm đếm tất cả trường hợp nhiễm COVID-19 trong nước sau khi tham vấn ý kiến các chuyên gia, theo The Japan Times.
Tuy nhiên, việc đếm số ca nhiễm có thể tạo thêm áp lực cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng vì số ca nhiễm hiện nay là quá lớn. Theo đó, chính phủ Nhật đang xem xét một số lựa chọn khác, chẳng hạn như chỉ các bệnh viện cụ thể mới cần đếm số ca nhiễm và báo cáo. Chính phủ sẽ dựa vào các báo cáo đó để quan sát tình trạng dịch bệnh tại các điểm này. “Chúng tôi sẽ xem xét cách giảm bớt gánh nặng cho nhân viên tuyến đầu” – ông Kato nói.
Ông cũng chỉ ra sự cần thiết phải theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm trong những tuần tới do lo ngại số ca nhiễm mới có thể sẽ tăng mạnh sau kỳ nghỉ hè. Chính quyền Tokyo kêu gọi người dân hạn chế đi lại nếu không thật sự cần thiết, đồng thời tiếp tục cảnh giác và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nhật hiện vẫn đang áp đặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khá chặt chẽ đối với du khách quốc tế, chẳng hạn như yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm PCR khi nhập cảnh.
Trong bối cảnh như vậy, chính phủ Hàn Quốc cũng đã khôi phục lại các biện pháp phòng chống virus tại các sân bay quốc tế và bệnh viện dành cho người cao tuổi. Bắt đầu từ ngày 25-7, du khách quốc tế cần phải xét nghiệm PCR vào ngày nhập cảnh hoặc muộn nhất là vào ngày thứ hai khi đến. Trước đó, hồi đầu tháng 6, chính quyền Seoul đã nới lỏng yêu cầu xét nghiệm PCR, khi đó du khách đến Hàn Quốc có thể làm xét nghiệm PCR trong vòng ba ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Để ngăn ngừa lây nhiễm trong các nhóm nguy cơ cao, chính phủ cũng đã bắt đầu hạn chế việc đến thăm các viện dưỡng lão, bệnh viện dành cho người cao tuổi và các viện tâm thần, theo The Korea Herald.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “zero COVID”, áp đặt các biện pháp phòng dịch vô cùng nghiêm ngặt. Theo CNBC, chỉ những ai có giấy xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 thì mới có thể vào các nơi công cộng, chẳng hạn như các trung tâm thương mại lớn ở các TP Thượng Hải, Bắc Kinh. Trong khi đó, các nhà chức trách ở TP Hạ Môn (Phúc Kiến) đã bắt đầu xét nghiệm COVID-19 với các ngư dân và cả cá, cua, tôm… vì lo ngại rằng một số ngư dân đã có hoạt động buôn bán trái phép với tàu nước ngoài khi ở trên biển, khiến virus xâm nhập vào nước này, theo hãng tin Bloomberg.
Chính quyền Hong Kong cũng sẽ mở lại Asia World Expo – một trong những cơ sở dùng để cách ly bệnh nhân COVID-19 lớn nhất TP – nhằm giảm áp lực lên hệ thống y tế, trong bối cảnh số ca nhiễm liên tục gia tăng. Các quan chức địa phương cho biết sẽ cung cấp thêm 200 giường bệnh và điều động 100 nhân viên y tế cho cơ sở này, tờ The Straits Times đưa tin.•