Hơn 17.000 tài xế bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn

Sau một tháng triển khai nghị định 100, CSGT toàn quốc xử phạt trên 17.380 tài xế vi phạm nồng độ cồn, nộp ngân sách 53 tỷ đồng.

Ngày 4/2, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tuyên truyền, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết như trên. Lực lượng chức năng cũng đã tước 10.700 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 17.380 phương tiện trong tháng qua.

“Trong số hơn 17.380 trường hợp bị xử lý, phần lớn là tài xế xe máy”, thượng tá Nhật nói và thông tin các tỉnh xử lý nhiều vi phạm gồm: Thanh Hóa gần 1.000 trường hợp, Đắk Lắk 914, Tây Ninh 886 , Bắc Giang 78, Đồng Nai 696, TP.HCM 672. Đây là những địa phương có số vụ tai nạn giao thông giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí.

Cán bộ Cục CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế ôtô trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hồi đầu tháng 1/2020. Ảnh. Bá ĐôCán bộ Cục CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế ôtô trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hồi đầu tháng 1/2020. Ảnh. Bá Đô

Đại diện Cục CSGT cho hay, trong quá trình xử lý vi phạm ở các địa phương, cả trăm tài xế đã không chấp hành yêu cầu kiểm tra của cảnh sát, cố tình không thổi nồng độ cồn và thậm chí cố thủ trong xe. Những người này đều bị xử phạt ở mức cao nhất, như Đắk Lắk là 26 tài xế, Cà Mau 19 và TP HCM 13.

Qua thống kê ghi nhận TP HCM, Cà Mau và Kiên Giang là những địa phương phát hiện, xử lý nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở). Trong đó TP HCM xử phạt 264 tài xế, Cà Mau 257,  Kiên Giang 212.

Trước tình hình dịch viêm phổi cấp do nCoV diễn biến phức tạp, đại diện Cục CSGT nói “Cục đã chỉ đạo các đơn vị trên toàn quốc tiếp tục duy trì, kiểm tra và xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tuy nhiên quá trình kiểm tra phải khử trùng các thiết bị đo và chỉ được dùng ống thổi một lần”.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Nguồn: