Việc huy động vốn đầu tư đường vành đai tại TP.HCM vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Đường Vành đai 3 đoạn đường Mỹ Phước – Tân Vạn đi qua tỉnh Bình Dương dài 16km đã đưa vào khai thác.
Trong số các dự án giao thông trọng điểm của TP HCM kết nối vùng kinh tế phía Nam, các dự án đường vành đai có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, việc huy động vốn đầu tư vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.
Hơn chục năm vẫn chưa xong vành đai 2
Theo quy hoạch GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP.HCM sẽ có 3 đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 351km. Trong đó đường vành đai 2 sẽ đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành TP.HCM.
Đường vành đai 3, 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cả 3 dự án đều được đánh giá rất cấp bách.
Tuy nhiên, suốt 13 năm qua dự án đường vành đai 2 vẫn chưa thể khép kín, trong khi đó dự án tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 thực chất mới chỉ dừng ở chủ trương đầu tư.
Cụ thể, đường vành đai 2 với chiều dài 64km vẫn còn 14km dang dở, một số đoạn đang gặp khó khăn về tiến độ mặt bằng, bố trí vốn đầu tư…
Đường vành đai 3 cũng không khá hơn. Việc triển khai các đoạn đều bị chậm so với tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 28/9/2011. Theo kế hoạch, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng đến nay chỉ mới làm được 16,3km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Đường vành đai 3 có 4 đoạn với tổng vốn đầu tư 55.000 tỉ đồng, đi qua 4 địa phương. Đoạn 1 gồm 4 tiểu dự án thành phần (dự án 1A, 1B và 2A, 2B).
Tiểu dự án 1A đã xác định nguồn vốn dự án vay từ Chính phủ Hàn Quốc đã ký ngày 19/5/2020. Hiện dự án đang triển khai các thủ tục, dự kiến khởi công quý III/2021. Dự án thành phần 2A và 2B dài 14,4km vẫn trong quá trình nghiên cứu lập dự án nhưng chưa được duyệt vì chưa xác định được nguồn vốn đầu tư.
Riêng đường vành đai 4 có chức năng kết nối liên vùng mới ở khâu lập quy hoạch. Đường này dài gần 200km đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng.
Hiện chỉ có một đoạn hơn 30km từ Bến Lức – Hiệp Phước đang được nghiên cứu đề xuất đầu tư, các đoạn còn lại chưa nghiên cứu.
Theo Sở GTVT TP.HCM, khó khăn hiện nay đối với đường vành đai 3 liên quan đến dự án thành phần 1A và đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tại dự án 1A, công tác đền bù mặt bằng đang gặp khó do tổng mức bồi thường lên tới 2.050 tỷ đồng, vượt kế hoạch đã thông qua (khoảng 148,91 tỷ đồng), hiện đang phải chờ điều chỉnh.
Còn với đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành, chủ đầu tư cũng chưa bố trí đủ nguồn vốn để GPMB. Hiện chủ đầu tư đã kiến nghị UBND TP ứng trước vốn để sớm bàn giao mặt bằng thi công.
Đối với đường vành đai 3, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP cho biết, nguồn vốn đầu tư cho dự án này đang gặp nhiều khó khăn. Hiện, thành phố đề xuất Trung ương cho ứng kinh phí từ nguồn ngân sách của TP khoảng 3.000 tỉ đồng và các nguồn lực tài chính vay hợp pháp khác trong phạm vi quy định để thực hiện GPMB.
Huy động vốn cách nào?
Ông Phạm Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường vành đai 3, Sở đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn trung hạn và hoàn thành giai đoạn 2021-2025. Đồng thời chuẩn bị đầu tư cho tuyến đường vành đai 4.
Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường TP.HCM, nguyên nhân các đường vành đai đến nay vẫn chưa thể khép kín là do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa có cơ chế đặc thù để TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam huy động các nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài nên dẫn đến kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa.
Theo ông Trường, để thu hút nguồn lực đầu tư, TP.HCM cần có cơ chế rõ ràng, đặc biệt cơ chế về sử dụng đất để nhà đầu tư tham gia. Chẳng hạn, cần nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường vành đai, bởi chắc chắn các quỹ đất này sẽ hưởng lợi trực tiếp từ hiệu quả đầu tư mà tuyến đường mang lại.
Ngoài ra, đối với những đoạn thành phố đầu tư, thành phố sẽ ứng vốn ngân sách để chi trả chi phí bồi thường GPMB; tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP…
Trên cơ sở đó, ông Trường cho rằng, để hoàn thành được các tuyến đường vành đai, thành phố cần triển khai dự án theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. “Nội dung chủ yếu của đề xuất phương án triển khai đường vành đai 3 là bằng hình thức chuyển đổi vốn và hợp tác công tư thì mới có khả năng hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020- 2025”, ông Trường nói.