Ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất: Đã “bắt bệnh” nhưng… chờ chốt giải pháp

So với giai đoạn trước năm 2019, sản lượng hành khách những tháng đầu năm vẫn chưa đạt, thậm chí giảm 22%. Nhưng nghịch lý, tình trạng ùn ứ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường lân cận lại tăng. Hệ luỵ là thiếu taxi đưa đón khách, dẫn đến tình trạng lộn xộn, chặt chém…

Dự án căn hộ bủa vây hạ tầng sân bay

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất những ngày gần đây tình hình giao thông đã ổn định. Phía khu vực đường dành cho taxi, xe công nghệ đã bớt lộn xộn hơn so với trước.

Sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, các đơn vị chức năng đã vào cuộc, xử lý quyết liệt tình trạng ùn tắc và chèo kéo, bắt chẹt hành khách. Đặc biệt, tại khu vực nhà giữ xe TCP, mặc dù hành khách đông nhưng các phương tiện xếp tài trật tự, không còn cảnh ùn tắc nghiêm trọng như trước đó. Tại các làn đón trả khách, lực lượng thanh tra giao thông và an ninh sân bay liên tục nhắc nhở các tài xế tuân thủ quy định.

Mặc dù vậy, cơ quan quản lý hàng không miền Nam cho rằng, để Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vận hành thông suốt, vẫn cần thiết xem xét triển khai thêm các giải pháp một cách đồng bộ.

Qua khảo sát thực tế, cơ quan quản lý hàng không nhận định hai nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng ùn tắc xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua bao gồm: hạ tầng quá tải và tần suất bay dày đặc trùng với các khung giờ cao điểm.

Theo đánh giá của Cảng vụ hàng không miền Nam, số chuyến bay 5 tháng đầu năm 2022 giảm gần 22% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Số chuyến giảm kéo theo tổng lượng hành khách giảm hơn 25.000 người. Nhưng nghịch lý, tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường lân cận.

Đường Phạm Văn Đồng là tuyến duy nhất kết nối giao thông đô thị vào sân bay Tân Sân Nhất theo trục Đông – Tây, trước khi các phương tiện đổ về Bạch Đằng, Hồng Hà vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo khảo sát, chỉ có 15% tổng số xe máy và 30% tổng số xe ô tô di chuyển vào sân bay. Số còn lại đi ngang đường Trường Sơn để qua đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ (Tân Bình).

Các nút giao Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi, vòng xoay Lăng Cha Cả, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Tuyến đường Trường Sơn rơi vào đoạn giữa “chịu trận” bởi hai đầu “thắt cổ chai”.

Hàng loạt dự án căn hộ gần sân bay đưa vào hoạt động cũng khiến mật độ phương tiện ra vào đường Trường Sơn thêm đông đúc. Theo khảo sát của Cảng vụ HKMN, lượng cư dân đổ về tăng đột biến tại các cao ốc xung quanh như: CT Plaza, Saigon Airport Plaza, Botanica Premier, The Botanica, chung cư Hà Đô… gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông khu vực.

Giai đoạn hàng không phục hồi sau dịch Covid-19, các hãng bay khai thác tần suất bay khá cao, trùng với các khung giờ cao điểm tan sở, dẫn đến hiện trạng bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình thế hạ tầng quá tải.

Từ thực trạng này, hàng loạt hệ lụy khác tiếp nối như: taxi chậm trễ, tài xế taxi “sợ” đón khách nhà gần, một số xe hợp đồng “thừa nước đục thả câu”, tài xế “hét giá”, “chặt chém” khách hàng.

Đại diện một đơn vị taxi truyền thống cho biết, nhiều tài xế xin đổi khu vực chứ không dám đón khách sân bay vì mỗi cuốc xe ra/vào sân bay thời gian lâu gấp đôi so với các khu vực khác. Theo vị này, “ùn tắc cửa ngõ sân bay, phục vụ hành khách không tốt là hình ảnh xấu xí, gây ra rất nhiều thiệt hại về kinh tế cho đất nước”.

Cấp thiết làm bãi đệm cho taxi

Theo Quyết định số 3193/QĐ-BGTVT năm 2015 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, hệ thống sân đỗ ô tô trước nhà ga hành khách quốc tế và nội địa được quy hoạch dạng nhà xe nhiều tầng, đấu nối trực tiếp với đường trục ra vào Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có nhà giữ xe trước ga quốc nội được đầu từ xây dựng. Cảng vụ hàng không miền Nam đã đề nghị Cục hàng không báo cáo Bộ GTVT làm việc với Ủy ban quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tổng công ty Cảng HK Việt Nam (ACV) triển khai các thủ tục xây dựng nhà để xe tại khu vực ga quốc tế. Tuy vậy, để triển khai xây dựng nhà để xe không phải chuyện sớm chiều.

Trước đây, ngành hàng không và thành phố đã tạo điều kiện cho phép lập một bãi đỗ xe của taxi bên ngoài sân bay như một bãi “đệm”. Vị trí này nằm trước ga quốc tế, góc đường Bạch Đằng – Trường Sơn – Hồng Hà, có diện tích hơn 3.541m². Đây là khu đất trống, Cảng vụ HKMN đã được cấp Giấy CNQSDĐ diện tích 359m2, phần còn lại tạm quản lý theo hiện trạng cho đến khi bàn giao cho nhà nước. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, bãi “đệm taxi” này bị đóng cửa.

“Không có bãi đệm, cánh tài xế phải cho xe chạy lòng vòng, dừng đỗ ở các tuyến đường bên trong khu dân cư, bởi dừng ngoài đường Trường Sơn bị phạt. Khi có lệnh vào sân bay cũng phải mất một thời gian khá lâu, khiến hành khách bên trong thiếu xe, khách chờ lâu”, anh Hà Hồng, một tài xế taxi cho biết.

Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết đã có văn bản đề nghị Sở GTVT đề xuất UBND TP.HCM kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu xe, bãi đệm cho các phương tiện ra vào sân bay ở khu vực này.

Bên cạnh đó, Cảng vụ hàng không miền Nam cũng kiến nghị xây dựng đường hầm hoặc cầu đi bộ kết nối nhà xe TCP với nhà ga quốc nội. Phương án này sẽ giảm giao cắt giữa dòng khách đi, khách đến tại khu vực ga quốc nội, từ đó tránh tình trạng ùn ứ, lộn xộn. Bởi ga quốc nội hiện chỉ có một cao trình, dòng xe đi và đến đều trên một mặt cắt. Trong khi theo thiết kế của nhà xe TCP, đã tính đến phương án đường hầm kết nối vào ga quốc nội.

Ngoài ra, cảng vụ cũng đề xuất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và thu hồi lại một phần diện tích đất sân đậu ô tô của Sasco để mở rộng đường, bổ sung thêm 2 làn đường thu phí và mở rộng làn đường dành cho xe ưu tiên phục vụ khách VIP từ nhà khách VIP A ra đường Trường Sơn, tăng thêm lối thoát cho phương tiện từ sân bay đi ra bên ngoài.

“Tất cả 3 giải pháp được cho là căn cơ này đang phải đợi cơ quan có thẩm quyền vào cuộc quyết liệt. Một giải pháp thoạt nhìn tưởng đơn giản là làm bãi “đệm taxi” ở khu đất đang trống, nhưng phải đợi UBND TP.HCM bàn giao đất mới làm được”, ông Mậu nói và cho biết trong tình huống quá tải như hiện nay, phải gấp rút là ưu tiên khai thác tối đa công năng hạ tầng của sân bay.

Đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết, phương án chính thức ra sao vẫn chưa thể “chốt”. TP.HCM sẽ thu hồi toàn bộ diện tích nói trên và giao cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất triển khai hoặc Cảng vụ HKMN sẽ quản lý toàn bộ và giao cho đơn vị khai thác.

NGUỒN: