Tổng cục Quản lý thị trường ra văn bản hỏa tốc giám sát các cửa hàng xăng dầu

Tối 9-10, trước tình trạng nhiều người dân gặp khó khăn khi mua xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có văn bản hoả tốc yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, trong văn bản gửi đi, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở các loại hình, bao gồm:

Thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên Giấy xác nhận đủ điều kiện, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Cùng đó, Tổng cục QLTT cũng yêu cầu tập trung việc giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện.

“Kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định”, văn bản của Tổng cục QLTT nêu rõ.

Trong những ngày qua, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là miền Nam vẫn xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động. Riêng tại TP.HCM, trong ngày 9-10, có 54 cửa hàng xăng dầu tạm hết hàng.

Ghi nhận cho thấy tại nhiều cửa hàng xăng dầu, người dân xếp hàng dài chờ đợi đến lượt được mua xăng. Nhiều cây xăng phải bán cầm chừng với mức giới hạn 20.000, 30.000 đồng, 50.000 đồng… mỗi lần đổ xăng. Vì xếp hàng quá lâu, nhiều người thiếu kiên nhẫn đã phải bỏ đi, cá biệt một số người đã nổi nóng, lớn tiếng với nhân viên bơm xăng.

Ngay trong tối 9-10, Petrolimex TP.HCM đã phải huy động 80 xe bồn chở xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ để tăng cường nguồn cung, bù đắp cho các cửa hàng lân cận.

Chia sẻ với PLO, nhiều doanh nghiệp xăng dầu cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu bất ổn như những ngày qua là do việc điều hành của liên bộ Công Thương – Tài chính “có vấn đề”.

Dẫn chứng, các doanh nghiệp cho biết theo Nghị định 95/2021, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố. Tuy nhiên, liên bộ Công Thương – Tài chính đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là xăng dầu. Tuy nhiên, tư duy luôn kìm hãm giá vì muốn sử dụng hàng hóa giá thấp hơn thị trường là không phù hợp.

Chẳng hạn giá xăng dầu thị trường là 20.000 đồng/lít nhưng nhà điều hành muốn giá còn 19.000 đồng/lít… Từ quan điểm này dẫn đến việc không tính đúng, tính đủ chi phí trong giá cơ sở, hệ quả là doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng mua vào giá cao hơn bán ra.

“Có rất nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán càng lỗ mà vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra” – các doanh nghiệp nêu.

Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, quý III-2022 (tính đến 20-9), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm 35% đối với dầu DO so với quý II. Trong đó, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhập khẩu.

NGUỒN: