TP.HCM xin tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù đến hết 2023

Ngày 4-10, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ký báo cáo gửi Quốc hội, tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Tại Nghị quyết số 54, Quốc hội cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực: quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho hay sau 5 thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, kinh tế TP.HCM liên tục tăng trưởng cao, ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19. Cụ thể, tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 – 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.

Sau khi kinh tế TP tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm – 6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng khi bình quân 6 tháng đạt 3,82%.

Tăng cường phân cấp, uỷ quyền

Đáng chú ý, liên quan đến cơ chế uỷ quyền, UBND TP đã uỷ quyền cho các sở- ngành, UBND cấp huyện thực hiện 59 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP trên các lĩnh vực đô thị, môi trường, kinh tế, ngân sách, văn hoá, xã hội, khoa học và kiểm tra công tác quản lý hành nghề luật sư.

Chủ tịch UBND TP đã uỷ quyền cho thủ trưởng các sở- ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện 26 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP trên các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, dự án, giao thông, văn hoá, xã hội, khoa học và nội vụ.

“Việc tăng cường phân cấp đã tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa cho cơ quan, đơn vị; rút ngắn quy trình thực hiện các hồ sơ hành chính, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng thực hiện công tác cán bộ, công chức, viên chức”- báo cáo nêu và cho hay TP kiến nghị tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Về chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, Chính phủ cho hay HĐND TP đã ban hành nghị quyết về quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, quy định năm 2018, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần (tương ứng mức chi trả thu nhập bình quân bằng 1,6 lần tiền lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định); năm 2019 là 1,2 lần; năm 2020 là 1,8 lần.

Tuy nhiên, trong các năm 2019, 2020 và 2021, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, TP.HCM có điều chỉnh tăng, giảm hệ số chi thu nhập tăng thêm…

Tổng số kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của TP năm 2018 là hơn 2.800 tỉ đồng; năm 2019 là gần 7.640 tỉ đồng; năm 2020 gần 4.270 tỉ đồng; năm 2021 hơn 6.800 tỉ đồng.

TP.HCM kiến nghị được tiếp tục áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm để góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công với khu vực tư nhân.

TP sẽ bổ sung một số giải pháp đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm, đảm bảo thực hiện khách quan, công khai, minh bạch.

Nhiều khó khăn khi triển khai

Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, một số cơ chế, chính sách đặc thù triển khai chậm so với kế hoạch như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hoá, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn…

Cạnh đó, có một số cơ chế tuy đã thực hiện nhưng hiệu quả thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều. Theo Báo cáo, đến nay, UBND TP mới phê duyệt kết quả thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt.

“Tuy mới đạt được kết quả bước đầu nhưng TP cho rằng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng ‘chảy máu chất xám’, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm”- Chính phủ cho biết TP.HCM kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách này trong thời gian tới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đánh giá một số cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung uỷ quyền). Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm chưa theo kịp tình hình thay đổi của thực tiễn.

Lý giải về nguyên nhân, Chính phủ cho rằng những hạn chế trên có cả các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Về khách quan, các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TP dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có hai năm chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 nên TP không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Về chủ quan, khi xây dựng cơ chế, chính sách, TP gặp phải khó khăn, thách thức phát sinh, như việc xây dựng cơ chế chính sách mới về thu ngân sách. Công tác triển khai một số nội dung thuộc trách nhiệm của TP chậm, như cổ phần hoá, thu hút nhân tài… Cạnh đó, sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan Trung ương còn hạn chế (như việc sắp xếp nhà đất trên địa bàn TP).

Kiến nghị cho TP HCM tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù đến hết 2023

Sau khi đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31-12-2023; đồng thời đưa nội dung này vào nghị quyết của kỳ họp thứ 4.

Đặc biệt, Chính phủ kiến nghị để TP.HCM đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 54, báo cáo Bộ Chính trị cho phép TP thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trong thời gian tới.

NGUỒN: